NHIỀU NÔNG SẢN DỰ BÁO SẼ TĂNG GIÁ

Lực cầu thế giới giảm sút, hoặc một số điều chỉnh chính sách mới khiến giá nông sản thế giới giảm… đã kéo theo mặt bằng giá trong nước thấp xuống.

Bản tin Thị trường nông, lâm, thủy sản mới được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ban hành ngày 20/6 cho thấy giá rất nhiều loại nông sản chính của Việt Nam đang rớt giá, hoặc ở mặt bằng giá khá thấp.

Theo báo cáo, tác động chủ yếu đến từ lực cầu thế giới giảm sút, hoặc một số điều chỉnh chính sách mới khiến giá nông sản thế giới giảm… đã kéo theo mặt bằng giá trong nước thấp xuống.

Đối với cao su, trong 10 ngày giữa tháng 6/2018, giá cao su trên thị trường thế giới giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu giảm, dự trữ tại các nước tiêu thụ cao su hàng đầu tăng. Ngoài ra, giá dầu giảm, đồng Yên Nhật Bản mạnh lên so với USD và căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là những yếu tố gây bất lợi cho giá cao su.

Ở thị trường trong nước, trong 10 ngày giữa tháng 6/2018, giá mủ cao su trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. So với những ngày đầu tháng, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh giảm khá mạnh.

Đơn cử, từ ngày 1-19/6/2018, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh 8 lần thông báo điều chỉnh giảm giá thu mua mủ cao su. Ngày 18/6/2018, Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ cao su giảm 22 đồng/độ TSC ở cả giá thu mua mủ tạp và mủ nước, đạt lần lượt 250 đồng/độ TSC và 260 đồng/độ TSC (trước đó ngày 10/6/2018 giá đạt 272 đồng/độ TSC và 282 đồng/độ TSC)…

Với cà phê, trong 10 ngày giữa tháng 6/2018, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới giao kỳ hạn giảm so với 10 ngày đầu tháng 6 và so với cùng kỳ tháng 5/2018.

Đơn cử, trên sàn London, ngày 19/6, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 7/2018 giảm 1,2% so với ngày 9/6, và giảm 2,7% so với cùng kỳ tháng trước, xuống còn 1.701 USD/tấn; kỳ hạn tháng 9/2018 giảm 1,5% so với ngày 9/6 và giảm 3,7% so với ngày 19/5, xuống còn 1.687 USD/tấn; Kỳ hạn giao tháng 11/2018 giảm 1,4% so với 10 ngày đầu tháng 6, xuống còn 1.693 USD/tấn, và giảm 3,5% so với cùng kỳ tháng 5/2018.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường cà phê toàn cầu giảm sau quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, kéo theo các mặt hàng chủ yếu giao dịch bằng đồng tiền USD đắt hơn so với các đồng tiền ngoại tệ khác, gây áp lực lên nhu cầu và giá cả hàng hóa. Cùng với đó, những thống kê cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục tăng, cũng như dự báo sản lượng cà phê tăng.

Tác động vào trong nước, 10 ngày giữa tháng 6/2018, giá cà phê trong nước ở mức thấp. Chốt phiên giao dịch ngày 19/6, giá cà phê tại thị trường trong nước so với cùng kỳ tháng 5/2018 giảm từ 1,4-2,8%. Hiện giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ở mức thấp nhất 34.800 đồng/kg và cao nhất 35.800 đồng/kg (tại tỉnh Kon Tum).

Hạt điều là một trong số ít nông sản chính của Việt Nam mà thị trường ít xáo trộn trong thời gian gần đây. 10 ngày giữa tháng 6/2018, giá hạt điều trên thị trường thế giới nhìn chung ổn định. Tuy nhiên, cầu thị trường còn chậm cải thiện.

Tại cảng TP.HCM, giá hạt điều xuất khẩu nhìn chung khá ổn định. So với cuối tháng 5/2018, giá hạt điều xuất khẩu từ 2,65-4,55 USD/lb, tùy loại. Tuy nhiên, hiện các nhà máy chế biến hạt điều trong nước đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nguyên liệu.

Phần lớn các nhà máy đã bán hết nhân điều trong 5 tháng đầu năm, lượng nhân điều giành cho xuất khẩu không còn nhiều. Giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam hiện chỉ còn 4,1-4,3 USD/pound, thấp hơn nhiều so với mức giá cao nhất 5,1-5,3 USD/pound cùng kỳ năm 2017.

Dự báo giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới do nhu cầu cuối năm tăng và nguồn cung hạn hẹp. Theo yếu tố chu kỳ, quý III và quý IV là thời điểm các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua nhân điều để phục vụ nhu cầu tăng cao trong những tháng cuối năm.

Bài viết liên quan